Tìm hiểu Pháp chữa bệnh cho vong

0

Nội dung chính [Hiện]

Hồi nhỏ thầy có theo các thầy đi làm pháp để học đạo, được tham gia những buổi cúng độ âm, cúng tam nhật phục hồn hay cúng 49 ngày, cúng các đàn pháp độ vong...… Khi vời vong lên nhập vào người nhà để lai lời cho con cháu, các cụ hay hỏi vong là:

“Thế có đau ở đâu không? Có cần tôi chữa giúp gì không”.

Vong có đáp lại

Tôi bị đau ở chỗ này ..... chỗ kia thậm chí có vong bị mất một chân, ........xin thầy làm giúp tôi”.

Thế là thầy tôi làm pháp và chữa cho vong kể cả vong không chân lại có đủ chân.

Hay những trường hợp ốm nặng lâu ngày mới mất, các thầy cũng hỏi xem có ốm mệt không? Có đau chân tay không?... Vong nói đau ở đâu, mệt ở đâu... thế là thầy tôi làm pháp chữa giúp.

Khi trở về tôi mới hỏi thầy:“Thầy ơi, thầy làm lang thuốc thầy vẫn chữa bệnh cho người sống. Nhưng nay con thấy thầy chữa bệnh cho cả người đã chết. Con tưởng chết rồi thì sao còn phải chữa bệnh nữa? Thầy mới giảng cho tôi cặn kẽ lí do tại sao, rồi truyền dạy cho tôi pháp môn chữa bệnh cho vong để hành đạo độ âm cho trọn vẹn.

Đến nay nhiều khi nhìn thấy người làm thầy bà nhiều nhan nhản, gọi vong ốp nhập như đi chợ, cúng phục hồn, cúng 49 ngày gọi vong lên được nhưng chả hỏi han, giúp đỡ, chữa bệnh gì, vong linh cũng mệt mỏi đau yếu hay không được khai mở các khiếu mà chỉ biết rên, la, im lặng hay buồn bã, cáu gắt...

Nghĩ mà buồn cho một pháp môn vô cùng ý nghĩa của đạo.

Nay viết ra vài lời.

Cuộc đời hành đạo của một thầy pháp quan trọng nhất vẫn là độ vong. Thực ra nói độ vong thì nó rộng lắm, nhiều pháp lắm nhưng có một phần nhỏ, phần dễ bị bỏ qua nhất nhưng lại rất quan trọng . Đó là: Pháp chữa bệnh vong.

Đây là pháp chữa cho người đã khuất (lưu ý không phải là pháp chữa bệnh âm cho người sống). Pháp này là pháp mất gốc nhất bởi không ghi lại trong bất cứ khoa phạm sách vở nào nên dễ thất truyền nhất. Chỉ may ra có các cụ đồng pháp hay đồng dí chuyên chữa vong theo các cụ được học.

Thầy may mắn được học các pháp này và cũng gặp nhiều trường hợp đặc biệt. Thầy kể cho các con nghe:

Trước khi làm thầy đồng mở phủ dẫn đạo cho các con, thầy hay đi làm pháp đàn độ âm cho người. Ai cũng biết nghiệp theo ta như hình với bóng…

Thầy kể các con nghe trước :

Có một lần đi làm lễ, có một vong linh rất nặng nề, nhập vào một người con gái trong gia đình nhưng không nói gì. Thầy hỏi tại sao về mà lại không nói? Có gì cứ nói lại với người nhà. Vong này mới nói rằng: “Tôi không muốn nói gì cả, vì tôi cứ nhìn các con tôi là tôi thấy mình làm khổ chúng nó.”

Thầy hỏi: “Tại sao lại nói thế ?”

“Tôi vốn bị thương bởi chiến tranh mất đi đôi chân lại mang trọng bệnh, thôi cũng là hy sinh mất mát vì chiến tranh của tổ quốc, không có gì trách cứ cả. Nhưng cũng vì thương tật mà khi tôi còn sống con cháu phải chăm sóc vô cùng vất vả, tôi thì bệnh tật liên miên gia đình tài chính kiệt quệ. Đến lúc đã chết rồi thành vong linh muốn đi theo phù hộ con cháu cũng không đi được”.

Thầy nói: Ông thiếu đôi chân đúng không ? Để tôi giúp ông.

Nói xong thầy bèn ra cắt một đôi chân bằng giấy yểm chú đốt lên, rồi yểm chú và lệnh cho vong linh để gắn thêm thân thể. Sau khi được gắn đôi chân xong ông mừng rỡ cảm ơn và bắt đầu nói chuyện cùng con cháu.

Thầy nói các con nghe: Nếu như một người khi sống đang mạnh khỏe, đang có con có cháu tuổi bế tuổi bồng mà bỗng bệnh tật, hay bệnh nặng nằm một chỗ con cái phải chăm sóc vất vả. Đặc biệt là khi thấy con cái khó khăn mệt mỏi, không giúp đỡ được gì lại còn gây khó khăn cho gia đình thì người bệnh hay sinh tâm lý buồn bã. Khi đã chết thành vong linh lại vẫn với thể trạng yếu không thể phù hộ hay giúp đỡ cho con cháu rất hay sinh tâm lý oán trách tự bản thân mình, buồn khổ lâu sinh tâm níu kéo không thể buồng bỏ hoặc luôn chán nản chẳng thiết tu tập cho thần hồn được thanh tịnh rồi siêu sinh. Rồi những trường hợp mất do tai nạn, mất các phần thân thể, bệnh đau mà mất… khiến họ vẫn có cảm giác đau đớn triền miên, sao có thể tĩnh tâm tu học hay nghe kinh, chú gì được???

Những người thầy đi cúng hay độ âm giỏi ngày xưa thường phải biết chữa bệnh vong. Bởi những người bị tai nạn khuôn mặt biến dạng, tay chân mất mát, chết cháy, mù, câm, điếc, ốm đau mệt… đến nhờ người thầy cứu chữa cho về hình tướng lành lặn ban đầu, khỏe khoắn ra… để vong linh họ lấy lại tinh thần, tích cực hơn, họ đi theo giúp được con cháu mình, lại yên tâm tu tập cùng các cụ gia tiên tiền tổ không còn bám trụ vào cái sân hận khi sống làm gia đình con cháu khổ vì mình .?...

Thầy độ âm có tâm ngày xưa như bác sỹ chữa bệnh cho vong từ hoàn lành thân thể đến chữa những bệnh đau ốm yếu, dù bệnh nặng hay bệnh nhẹ đặc biệt là chữa về tinh thần của các vong để họ có suy nghĩ tích cực buông bỏ. Thường thầy độ âm sẽ hỏi vong xem có mệt mỏi đau yếu hay cần chữa phần nào, để chữa cho triệt để giúp vong linh yên tâm và thực tâm hoan hỉ trước khi rời đi (thoát khỏi người ngồi dí).

Chứ không phải độ âm là cứ chăm chăm cúng bái cầu siêu, hay cúng mâm vật thực, biếu tiền biếu mã… Khi người ta đau ốm, mất mát thân thể, nằm liệt hay bệnh tật...thậm chí mặt mũi biến dạng xấu xí, hay câm điếc mù lòa không nghe không thấy, mãi con cháu mới cậy sở thầy bà làm lễ vời lên được, người ta có ham ăn ham uống không? Cái họ cần họ muốn là được chữa được chạy cho bớt đau đớn mệt mỏi, chữa cho nghe được thì mới hiểu con cháu hỏi gì, cần gì; chữa cho nói được mới lai lời được cho con cháu chứ không nói được hay đau đớn mệt mỏi thì còn chỉ bảo, dặn dò gì nữa…? Chỉ có buồn bã, sân hận, cáu gắt, thở than… Khóa lễ như vậy thì chỉ có hình mà không có tướng, miệng nói hành đạo độ âm mà chẳng hiểu nỗi khổ của vong thì độ được đến đâu???

Lại nói, nhiều người nhầm tưởng rằng khi người ta chết thì những ốm đau, bệnh tật hay sự mất mát thiếu hụt thân thể khi còn sống đều tan biến. KHÔNG PHẢI!

Khi sống người ta bị bệnh tật đau ốm gì, mất thiếu bộ phận gì… khi chết đi thành vong linh vẫn mang những đau yếu, mất mát đó.

Tại sao vậy?

Bởi vong linh tồn tại bởi “thần”, phần “thần” này hiện hữu không phải chỉ ở bất cứ một bộ phận nào mà “thần” tồn tại ở từng tế bào trong cơ thể.

Thầy lấy ví dụ về khoa học luôn nhé :

Trên thế giới có rất nhiều trường hợp ghép tạng của người đã chết cho người sống, những người sống này sau đó luôn có sự thay đổi phần nào trong tính cách, thói quen, đặc biệt phần nhiều tương đồng với tính cách thói quen của người đã hiến tạng. Hiện tượng này khoa học hay gọi là: “Ký ức tế bào”.

Gần như đa số người được ghép các bộ phận của người khác đều có tính cách thay đổi một phần giống người cho tạng.

Khi một người mất đi một phần thân thể hay đau yếu khi chết, sự thiếu hụt đó hay đau đớn đó vẫn theo họ khi trở thành vong linh, bởi phần “thần” tồn tại trong phần thân thể đã mất trước đó không được nhập về với thần hồn khi họ từ giã cõi đời. Thần hồn phản ánh nguyên vẹn sự thiếu hụt hay đau đớn khi còn sống này.  Thế cho nên, ngày xưa khi các hoạn quan bị hoạn, phần thân xác bị tách rời đó được đem bảo quản và trả về cho họ chôn cùng khi họ chết, hay những trường hợp ở một số đồng bào vùng cao vẫn giữ truyền thống sấy khô bảo quản phần thân thể bị tách rời của người ta nếu không may bị tai nạn, sau này khi chết đem chôn theo là vì lí do này.

Trường hợp những người hiến tạng vì lí do nhân đạo, trong minh minh luôn có những bù đắp để thần hồn chân linh được nguyên vẹn lại tương ứng với công đức lớn lao (cứu người) mà họ đã cống hiến.

Các con thấy đó, Đạo Mẫu ta có rất nhiều pháp môn độ âm, không chỉ giải thoát cứu vớt cho vong linh thoát khỏi lang thang, trói buộc… mà còn chữa cả bệnh âm cho vong, để vong linh cũng được hoan hỷ, yên ổn thần hồn. Nhờ vậy mà âm siêu, dương thái.

Các con sau này hành đạo pháp ta, hành lễ độ âm cho người hãy chớ quên pháp chữa vong của đạo để hành đạo độ âm cho chu toàn.

Đừng học theo người đời hay những thầy bà mới nổi, chỉ có hình mà không có tướng, giúp người giúp chẳng đến đâu, độ vong mà chẳng độ được tận.

Nguồn: Thầy Trần