Cô Bơ là ai, Có phải cứ hầu Cô Bơ là khó, buồn?
Nội dung chính [Hiện]
Rất nhiều người hầu giá Cô Bơ là bị khóc, buồn tủi, hay những người dự hầu giá Cô Bơ cũng bị khóc, rất nhiều quan điểm cho rằng đây là điều đương nhiên và khóc buồn cũng là chuyện bình thường, vì hầu hết ai cũng biết rằng căn cô bơ là vất vả đường tình duyên. Bài viết này chia sẻ cho mọi người cùng biết về thánh tích Cô Bơ, Có bao nhiêu Cô Bơ và có phải cứ hầu giá Cô Bơ là bị khóc, buồn hay không.
1. Có bao nhiêu cô bơ
Xét về Thánh Tứ Phủ thì có:
- Cô Bơ Thủy Thần
- Cô Bơ Hàn Sơn (Cô Bơ Bông – Nhân thần)
Cô Bơ Thượng
Xét về Thánh các dòng đồng và vùng miền thì có:
- Cô Bơ Tây Hồ (Cô Bơ Hà Thành)
- Cô Bơ Tam Kỳ
- Cô Bơ Ngoải Cảnh/ Cô Bơ ngoại càng, Cô Bơ xứ Huế Cô Bơ chín suối ....
Đối với người Việt Nam các vị Thánh có kèm chữ “Bơ” thực ra là từ tượng trưng cho thoải phủ.
Ví như ông quan Bơ phủ, Cậu Bơ, Chầu Bơ, Hoàng Bơ, Cô Bơ… Đó là cách gọi nôm na dân dã của nhân dân để tôn sùng các vị Thánh Thoải hoặc có xuất tích từ thoải.
Từ xưa đến nay các cụ cũng chỉ thờ Cô Bơ Thủy Thần và Cô Bơ Thác Hàn là chính. Còn các vùng miền thường thờ và hầu các cô địa phương bản cảnh cũng gọi là Cô Bơ nhưng quan điểm và lề lối hầu hạ khác nhau.
Hãy cùng tìm hiểu:
Cô Bơ Thủy Thần
Tích thứ nhất :
“Nhang dâng một chuyện trống điểm ba hồi
Đệ tử con tiến bản văn mời
Dâng sự tích cô Bơ, thủy tinh công chúa
Tiền duyên sinh nở hạ giới tòa long cung, cô biến hóa lên về động điện trung, khi thác xuống làm con vua thủy tộc”
Tương truyền, cô Bơ là con gái Vua Thủy Tề dưới Thủy Cung. Cũng có tài liệu ghi chép rằng, cô là con gái của Long Vương, hầu cận cho Đức Vương Mẫu.
Về Cô Bơ Thủy Thần thì có lưu truyền tích sau:
Trong một trận đấu không cân sức, quân bị đánh úp tan rã các nơi, Lê Lợi một mình một ngựa chạy đến nơi hoang cùng ngõ hiểm, chạy mãi đến khi ngựa lăn ra chết. Toán truy đuổi vẫn ở phía sau. Tướng quân chạy bộ thẳng vào khu rừng trước mặt, trời vẫn mưa tầm tã không dứt.
Chạy đến khi đêm tối có dòng sông chặn lại. Tướng quân bèn chạy dọc theo bờ sông đến lúc sức cùng lực kiệt mới gặp một ngôi miếu nhỏ trên Miếu Đề Thủy Tinh Công Chúa nhưng không thấy ai quanh đó.
Ông bước vào, người mệt rã rời gục thiếp đi nhưng không thể say giấc được vì trong tâm trạng giặc Minh đuổi theo truy sát bất cứ lúc nào.
Trong lúc thiếp đi nửa tỉnh nửa mơ được một lúc bỗng có một vị Thần rẽ nước dưới sông mà đi vào miếu hình dung là một người con gái mặc áo trắng, tóc búi ngược đội nón kinh như mão quan âm khuôn mặt thanh thoát, dáng người cao ráo đẹp như tiên nữ. Nàng nhẹ nhàng nói: Tướng quân người mang thiên mệnh, sẽ trải qua rất nhiều cay đắng và mất mát vất vả thăng trầm cùng chia ly… cũng bởi một lòng cứu dân thoát ách nô lệ, giành lại lãnh thổ. Sau này ngài sẽ được bách Thần nước Nam âm phù, ắt thành nghiệp lớn.
Nay đã đến nơi đây, ngài cứ yên tâm ngủ đi, ta sẽ canh cho tướng quân ngủ cho ngon giấc.
Mê man trong giấc mộng ảo, tướng Quân nghe thần nữ nói vậy bèn trả lời rằng: Bao nhiêu Thần linh và người đều nói ta có mệnh thiên tử, giúp nước giúp dân làm nên nghiệp lớn, được thần phù trợ. Vậy mà bấy lâu nay nghĩa quân không biết bao nhiêu lần phải tan rã, bao dũng tướng và người thân theo ta cùng làm nghiệp lớn cứu quốc đã tử trận. hôm nay thân ta cũng phải chạy trốn nơi thâm sơn cùng cốc này, đến người vợ ta yêu quý cũng đã hiến cho Thần mất rồi mà sự nghiệp vẫn dở dang thì nói gì đến chân mệnh thiên tử, nói gì đến thần phù.
Thần Nữ mới nói: Tướng quân chớ nản chí. Việc người vợ xưa kia cũng là do duyên trời định, duyên với ngài tại dương thế đã dứt. Chớ nên buồn lòng oán trách.
Ta và tướng quân vốn có nhân duyên tiền kiếp. Nay được gặp nhau tại đây cũng là duyên nợ, ngài có ưng thuận lấy ta làm vợ không?
Tướng quân bật cười nói: Ta nay thân như vậy mà nàng vẫn muốn lấy ta sao? Nếu đã có nhân duyên, ta thuận lòng cùng nàng kết duyên chồng vợ tuy Rằng Thần và người Âm và dương cách trở.
Nhưng giặc kia đuổi đánh sắp đến nơi, thân ta rã rời chẳng còn bước nổi. Ngựa cũng đã chết, chưa biết có qua được cơn hoạn nạn này không?
Người thần nữ mỉm cười nhẹ nhàng nói: Đã có ta ở đây, mọi việc sẽ ổn cả. Chàng hãy ngủ cho say giấc, ngày mai thức dậy hãy đi về phương Nam sẽ được vạn sự lành.
Tướng quân ngủ say đến sáng thức dậy, quả thật quân giặc không tìm đến nơi này. Sau khi tỉnh giấc mộng, ngài nhìn lên thấy bức tượng trong miếu thờ giống với người con gái mình nằm mộng đêm qua.
Bèn nói rằng: Cảm tạ nàng đã cứu giúp ta qua cơn hoạn nạn. Lời nói ra xin ghi tạc, đợi ta thành sự nghiệp sẽ quay lại có lễ cau trầu rước nàng làm Vợ dù Thần và Người âm dương cách trở.
Ngài nhớ lời dặn đi về phương Nam, ra khỏi cánh rừng liền gặp được nghĩa quân đã tụ họp đang đi tìm ngài. Quân tướng lại đồng lòng phát dương lực lượng, nghĩ kế tiếp tục chống giặc.
Kể từ sau đó, nghĩa quân đánh đâu thắng đó, vượt qua nhiều cơn hiểm nghèo khó khăn đều chiến thắng giòn dã.
Sau này, vị tướng quân đánh đuổi được giặc Minh, giải thoát đất nước khỏi ách đô hộ nhiều năm. Ngài lên ngôi xưng vua, thực hiện nhiều chính sách an dân, hộ quốc.
Ngài trở về đến nơi rừng hoang xưa, mang theo cau trầu lễ vật tìm đến nơi miếu nhỏ để có lễ cưới với vị Thần là người người con gái (tiên nữ) làm vợ như lời đã hứa. Nhưng đến nơi thì ngôi miếu không còn, cảnh vật hoang vắng đìu hiu. .
Trong triều thần, dù không chính tắc nhưng ai cũng biết vua có 2 vị phi tử không phải người trần - một vị phu nhân đã mất và Phu nhân là Thủy thần áo trắng tại miếu - được gọi là nhị vị thần phi. (Thần phi ở đây chỉ không phải người trần chứ không phải danh phi).
Trước đây các cụ đồng cổ hầu Cơ Bơ Thủy Thần đều lên khăn tựa hình mão quan âm là vì vậy. Khi ngự đồng cô mặc áo trắng, khai quang, chèo thuyền, ban thuốc chữa bệnh… cho bách gia. Khuôn diện thanh thoát, bước đi thoải nhẹ nhàng.
Và đặc biêt lên khăn cũng khác.
“Hiển danh là bóng cô Bơ
Vào tâu ra giọng cô xuống toà thoải cung
Đẹp bằng Nghiêu thuấn, nữ trung
So bề tài sắc thiên cung nào tày
Lược ngà rẽ mái tóc mây
Nón kinh cô Bơ đội chân đi hài thêu hoa”…
Nhân đây tớ cũng kể lốt chuyện thần phi thứ nhất của vua lê : Câu chuyện về người vợ đã mất của Lê Lợi (Vị Thần phi thứ nhất):
Phạm Thị Ngọc Trần người hương Quần Lai, huyện Lôi Dương (huyện Thọ Xuân ngày nay), Thanh Hoá.
Ngày 20 tháng 11 năm Quý Mão (1423), năm thứ sáu của cuộc khởi nghĩa, bà sinh ra Lê Nguyên Long[3][4]. Lúc này, Thái Tổ Cao Hoàng chống chọi với quân Minh rất kịch liệt, phải di chuyển luôn, bà theo hầu rất gian khổ.
Vua Lê Thái Tổ không lập chính thất (vợ cả), chỉ có mấy người là Quận vương mẫu Trịnh Thần phi và Phạm Huệ phi cùng Phạm Thị Ngọc Trần.
kháng chiến chống nhà minh Lê Lợi vây thành Nghệ An, thua Trận liên miên khi đến thành Triều Khẩu ở Hưng Nguyên, có đền thờ thần Phổ Hộ, ông ngủ lại và nằm mộng thấy một vị thần đến xin một người thiếp nói với ông rằng bởi trong u minh thấy có nhân duyên tiền kiếp với người vợ này và hứa sẽ phù hộ cho Lê Lợi đập tan quân nhà Minh. Giấc mộng dở dang đã thức tỉnh. Cao Hoàng bèn đem chuyện này ra nói với các bà vợ của mình. Sau một hồi đắn đo cho rằng chỉ là giấc mộng ảo mà cho qua. Tuy nhiên giặc đuổi sắp đến gần lại nghe báo tin từ xa rằng nghĩa quân chia tách đã bị đánh bại. Nay chỉ còn chủ tướng mấy chục người tại đây.
Lúc đó bà Phạm Thị Ngọc Trần bèn quỳ xuống ngỏ lời xin được hiến cho Thần Phổ Hộ, trước là bởi bản thân cũng có cùng giấc mơ với Lê Lợi, sau là bởi tình thế nguy nan lúc này đánh giặc toàn thua chỉ có cầu Thần phù hộ mới mong tai qua và thành được nghiệp lớn. Dương trần không thể tiếp tục sát cánh thì dù có ở cõi âm bà cũng sẽ hết lòng phù hộ cho phu quân và nghĩa quân. Nàng nói: “Chỉ hiềm một nỗi con thiếp còn quá nhỏ, sau này tướng quân thành nghiệp lớn xin chớ phụ con của thiếp”.
Tướng quân nghe lời khẩn cần tha thiết, cuối cùng cũng đồng ý. Ngài nói: Sau này lấy được nước nhất định sẽ lập con nàng làm thiên tử.
Lúc đó, Nguyên Long chỉ vừa 3 tuổi, bà đưa cho người hầu cận nuôi nấng và đi theo dàn tế lễ, bà gieo mình chết, đó là ngày 24 tháng 3.
Khi Cao Hoàng bình định được quân Minh, ông nói với quần thần: "Bà ấy đáng làm chúa cả trăm vị thần của nước ta, không ai dám trái". bèn sau đó sai người ở động Nhân Trầm là Lê Cối rước quan tài về táng ở Thanh Hóa[6]. Đi đến xã Thịnh Mỹ thì trời tối, chưa kịp qua sông bèn ngủ trọ ở chợ. Đến đêm mối đùn lên quanh quan tài một đống rất cao, biến thành nấm mồ. Sứ giả thấy lạ, trở về tâu Cao Hoàng, ông bèn nói: "Đó là vị thần đã làm theo lời hẹn", nói rồi sai bảo cứ để quan tài ở đó, xây dựng điện Hiến Nhân để thờ, đồng thời lập miếu, đặt thần chủ ở Lam Kinh để cúng tế.
Về sau, Cao Hoàng lại lập con trưởng là Quận vương Lê Tư Tề làm giám quốc, lo triều chính mà quên mất Lê Nguyên Long. Một hôm giữa trưa, Cao Hoàng nằm ngủ chợt mộng thấy Hoàng hậu oán trách rằng: "Đức hoàng phụ công của thiếp…Nay được thiên hạ rồi mà ơn thánh chẳng được hưởng", rồi tan biến.
Cao Hoàng hoảng hồn tỉnh dậy, lòng bồi hồi xúc cảm, bèn lập Nguyên Long làm con đích trưởng, cho nối ngôi. Bấy giờ, Quận vương tuy làm giám quốc nhưng bị người chống đối hãm hại, nói rằng quận vương mắc bệnh điên, lại dựng nhiều chuyện làm trái ý hoàng đế. Cao Hoàng buồn bực không thôi, nên có ý phế truất mà còn do dự, nay Hoàng hậu về báo mộng, nên mới có lệnh ấy.
Năm 1433, Cao Hoàng băng hà, Lê Nguyên Long lên ngôi, tức Thái Tông hoàng đế. Lòng bồi hồi nhớ về người mẹ quá cố, nên Thái Tông truy phong làm Cung Từ Quốc thái mẫu (恭慈國太母).
Ông cũng nằm mơ và kể lại , (bà mẹ là vợ kiếp trước của Thần Phổ hộ có nhân duyên với Lê Lợi đâm hạ phàm đến giờ mãn duyên được thần đòi về )
Tháng 2, năm Thiệu Bình thứ 4 (1437), Thái Tông Văn Hoàng truy tôn mẹ mình làm Cung Từ Quang Mục Hoàng thái hậu (恭慈光穆皇太后), thờ phụng ở Thái Miếu. Về sau người ta đều gọi bà là Cung Từ Cao hoàng hậu (恭慈高皇后).
Nói thêm vua Lê Lợi không lập Hoàng Hậu cũng bởi để ngai vị đó cho Thần Phi của mình.
Cô Bơ Nhân Thần (Cô Bơ Bông Hàn Sơn)
Cũng có chút pha với thủy thần.
Có 3 tích:
1- Thần tích thứ nhất:
Có tài liệu cho rằng: Cô Ba Thoải Cung vốn là con Vua Thủy Tề, được phong là Thoải Cung Công Chúa. Sau này, Cô được giáng sinh vào thời Lê Trung Hưng. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, có công giúp vua Lê Lợi trong những những ngày đầu khởi nghĩa. Sau này, sau khi cô hóa, cô còn linh ứng giúp vua lê trong cuộc diệt Mạc phù Lê.
Trong dân gian vẫn còn lưu truyền lại câu chuyện sau: Vào những năm đầu khởi nghĩa, quân ta (ý nói nghĩa quân do vua Lê Lợi chỉ huy) vẫn còn yếu về lực lượng, thường xuyên bị địch truy đuổi, một lần Lê Lợi bị địch đuổi đến ngã ba sông Thác Hàn ở Hà Trung thì gặp Cô Bơ đang tỉa ngô liền xin cô giúp đỡ, cô bảo người lấy quần áo nông dân mặc vào, còn áo bào thì đem vùi xuống dưới ruộng ngô rồi cùng cô xuống ruộng giả như đang tỉa ngô. Vừa lúc đó thì quân giặc kéo đến, chúng hỏi cô có thấy ai chạy qua đó không thì cô bảo rằng chỉ có cô và anh trai (do Lê Lợi đóng giả) đang tỉa ngô, thấy vậy quân giặc bỏ đi.
Lê Lợi rất biết ơn cô, hẹn ngày sau đại thắng khải hoàn sẽ rước cô về Triều Đình phong công và phong cô làm phi tử. Sau đó cô cũng không quản gian nguy, bí mật chèo thuyền trên ngã ba sông, chở quân sĩ qua sông, có khi là chở cả quân nhu quân lương. Có thể nói trong kháng chiến chống Minh thì công lao của cô là không nhỏ. Đến ngày khúc hát khải hoàn cất lên thì vua Lê mới nhớ đến người thiếu nữ năm xưa ở đất Hà Trung, liền sai quân đến đón, nhưng đến nơi thì cô đã thác tự bao giờ, còn nghe các bô lão kể lại là ngày qua ngày cô đã một lòng đợi chờ, không chịu kết duyên cùng ai, cho đến khi thác hóa vẫn một lòng kiên trinh.
Người ta cho rằng, Cô Bơ được lệnh Vua Cha giáng trần để giúp vua, đến chí kì mãn hạn thì có xe loan lên đón rước cô về Thủy Cung.Sau đó cô hiển linh giúp dân chúng ở vùng ngã ba sông, độ cho thuyền bè qua lại được thuận buồm xuôi gió vậy nên cô còn có danh hiệu là Cô Bơ Bông (do tích cô giáng ở ngã ba sông) hay Cô Bơ Thác Hàn (theo tên gọi ở nơi quê nhà). Ai hữu sự đến kêu van cửa cô đều được như ý nên danh tiếng cô vang lừng khắp nơi nơi Cô Bơ luôn giá ngự về đồng, già trẻ, từ đồng tân đến đồng cựu, hầu như ai cũng hầu về Cô Bơ Bông.
Khi cô giáng vào ai, dù già hay trẻ thì sắc mặt đều trở nên hồng hào tươi tốt, đẹp đẽ lạ thường. Khi cô ngự đồng, cô thường mặc áo trắng, đầu đội khăn đóng (khăn vành dây) có thắt lét trắng (có khi dùng thắt dải lưng hồng) rồi cô cầm đôi mái chèo, bẻ lái dạo chơi khắp nơi. Lúc chèo thuyền có khi có còn khoác thêm chiếc áo choàng trắng, trên khăn có cài ba nén hương, bên hông có dắt tiền đò, rồi khi chèo thuyền xong, cô lại cầm dải lụa để đi đo gió đo nước đo mây.
Lúc cô an tọa người ta thường xin cô thuốc để trị bệnh, vậy nên Cô Bơ ngự về thường hay làm phép “thần phù” để ban thuốc chữa bệnh. Vì theo quan niệm nguyên xưa Cô Bơ Bông hầu cận Mẫu Thoải, lại theo sự tích nơi quê nhà cô là ở đất Hà Trung, Thanh Hóa, ngã ba Bông bến đò Lèn nên đền cô được lập ở đó, gần đền Mẫu Thác Hàn (chính là Mẫu Thoải), gọi tên là Đền Cô Bơ Bông thuộc xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, trước đây đường đi vào rất khó khăn, nhưng hiện giờ đã được tu sửa nên giao thông đã dễ dàng hơn”.
2- Thần tích thứ hai:
“Hàn Sơn phong mục ba bông
Ấy nơi kiếm khách thoát vòng hiểm nguy
Qua cơn binh lửa bất kỳ
Ngọc chìm đáy nước, rước cô về ba bông”…
“Theo huyền sử, vào khoảng những năm đầu đại Hồng Đức triều vua Lê Thánh Tông (1460- 1497), thái úy Lê Thọ Vực sau khi lập được nhiều công trạng được vua phong chức “Bình Trương Quân Quốc Trọng Sự”, rồi đến chức “Sùng Quốc Công”, giao chấn giữ biên ải Ba Bông “Rừng thiêng nước độc”. Trong một trận giao tranh ác liệt kéo dài, không phân thắng bại mà tình thế rất nguy cấp. Đêm hôm ấy, danh tướng đã mơ thấy một người con gái mặc xiêm y trắng trên mây giáng xuống ngã Ba Bông, rẽ nước bước lên kiệu võng mà nói rằng: “Hãy lui quân về Nhị Sơn hạ thủy mà vây hãm, lên núi Thạch Bàn mà cầu Mẫu thoải tất ứng linh”.
Theo lời, danh tướng dẫn quân xuôi về Chí Thủy (Thác Hàn Sơn bây giờ) dâng lễ cầu Mẫu rồi bố trí quân binh mai phục. Ứng báo của Mẫu cho kế phá giặc là lấp đá chặn dòng, lấy thủy triều dâng, làm nghi binh nhử giặc vượt qua bãi đá ngầm, khi nước thủy triều xuống thì tổng lực phản công, thuyền giặc rút chạy bị vấp vào bãi đá ngầm, lật nhào chìm đắm rất nhiều, quân mai phục đổ ra đánh úp, quân giặc chết nhiều vô kể và thất bại thảm hại, không còn dám quấy nhiễu nữa. (Dấu tích bãi đá ở Thác Hàn vẫn còn cho đến ngày nay).
“Thác Hàn Sơn lừng lẫy chiến công, nức tiếng muôn phương, oanh liệt một thời. Người con gái trong kiệu võng về báo mộng cho tướng quân Lê Thọ Vực đêm hôm ấy chính là Cô Ba hay Cô Bơ thoải phủ đền Ba Bông. Còn người báo mộng hiến kế để tướng quân Lê Thọ Vực phá giặc là “Đệ Tam Thủy Tiên Thánh Mẫu Bạch Ngọc Hồ Trung Xích Thủy Tinh Xích Lân Long Nữ” hay còn gọi là Mẫu Đệ Tam, Mẫu Thoải, Mẫu Hàn Sơn đều là một. Để đáp lại ân đức của thánh thần, tướng quân Lê Thọ Vực tâu vua, vua Lê cho lập đền thờ Cô Ba ở bờ bãi bồi Ba Bông hiện nay. Đền thờ Đệ Tam Thánh Mẫu ở non cao Thạch Bàn thác Hàn Chí Thủy (về sau mới di dời xuống bên sông để nhân dân thuận lợi việc thăm viếng). Nhớ ơn công đức của tướng quân Lê Thọ Vực, nhân dân địa phương đã lập đền thờ ngay phía dưới trước đền Mẫu, được tách rời bởi sân Đại Bái (Từ đó đến nay vẫn giữ nguyên sự sắp xếp đó).
3- Thần tích thứ ba:
“…Hoa đào còn đợi gió đông
Ai mà hợp số khăn hồng cô trao
Ngọc lành còn đợi giá cao
Biết đâu quân tử mà trao duyên hài…”
Theo cuốn “Lê Triều Thần Phả Ngoại Biên” được lưu giữ tại Thái Miếu họ Lê có ghi chép về thần tích cô Bơ Bông tóm tắt như sau:
Vào khoảng năm 1432, vua Lê Lợi có một đêm mộng thấy một nữ thủy thần báo mộng: “Ta là con gái vua Thủy tề đây. Nhà vua còn nhớ là nợ ta một lời hẹn ước hay không? Bây giờ nghiệp đế vương đã thành sao chưa thấy trả”. Vua Lê Lợi giật mình tỉnh dậy mới nhớ lại chuyện cũ. Ngày xưa, vào những năm đầu khởi nghĩa, Lê Lợi bị địch đuổi đến ngã ba sông Thác Hàn ở Hà Trung thì gặp cô gái xinh đẹp, đoan trang đang tỉa ngô được cô cứu thoát. Vua Lê Lợi để tỏ biết ơn cô, có nói với cô rằng: ” Ta có một cháu trai tuấn tú, khôi ngô, văn võ song toàn. Sau này kháng chiến thành công ta sẽ gả cháu ta cho cô.”
Người mà Lê Lợi nhắc đến chính là tướng quân Lê Khôi, cháu trai của Lê Lợi (Tướng Lê Khôi chính là một trong các hiện thân của Quan Hoàng Mười được thờ tại đền Củi ngày nay). Cô gái ấy chính là hiện thân của Cô Bơ. Tương truyền rằng, sau thắng lợi, Vua Lê Lợi có quay lại tìm cô gái nhưng không thấy. Như vậy lời hứa gả cô cho tướng Lê Khôi đã không được thực hiện. Sau giấc mơ, biết cô gái tỉa ngô nơi xưa chính là con gái vua thủy tề, hiện thân lên cõi trần để giúp vua xây dựng nghiệp lớn, vua Lê Lợi đã phong cô là “Thượng Đằng Thần” và cho xây dựng đền Cô, để tưởng nhớ công lao của Cô.
Đa phần các tích về Cô Bơ Bông Hàn Sơn đều khá buồn, nên khi hầu Cô Bơ Bông theo đúng lề lối các cụ đồng có chỉ dạy là không cười và các ghế hầu cô thường buồn. Còn hầu cô Bơ Thủy Thần và các cô bơ bản cảnh gương mặt mỉm cười cũng không sao.
“Giở trang tích cũ Lê triều
Có cô Bơ thoải mỹ miều thanh tân
Khăng khăng nắm giữ cơ trần
Phù Lê diệt Mạc bao lần xông pha
Đền Hàn Sơn chốn ấy quê nhà
Vì đời cô bẻ lái vượt qua thác ghềnh…”
Trước đó chiến tranh rồi lại do thời cuộc tất cả các đền bị phá .
Nhưng đền mất đất và tích thì còn
Sau này các đền được dựng lại .
chuyện các cụ truyền lại về cô Bơ cũng rất nhiều nhưng không có nói cô là Bà cô Tổ họ Nào
rồi Thánh Tứ phủ thì vậy
thánh bản cảnh thì sao:
Ở Hà Nội Xưa Các Cụ Hầu:
Cô Bơ hà thành
Về cô Bơ Hà Thành thì là do mấy người thương gia buôn bán ở Hà Nội hầu và các nhà buôn với phương Tây ở Hà Nội thường hay hầu cô. Gọi là Cô Bơ Hà Thành hay Cô Bơ Tây Hồ. Có truyền thuyết nói hầu cô thì sẽ buôn may bán đắt và được mặt hoa da phấn nên sau này một số Me Tây thời Pháp thuộc cũng theo vào để hầu cô.
Tích Cô Ba Tây Hồ, Cô Ba Hà Thành thực ra là cùng một cô:
Xưa kia sông Tô Lịch chạy bao quanh thành Hà Nội bắt nguồn từ ngã ba chỗ phố Chợ Gạo bây giờ chảy lên Hàng Buồm rồi đến phố Phan Đình Phùng, sau đó đến đoạn qua Cửa Bắc nó thành ngã ba, một chỗ rẽ sang điều tiết nước và là đường thủy Hồ Tây từ trại thủy quân bên Hồ Tây sang sông Tô Lịch. Còn dòng chính thì vẫn chạy bảo quanh thành.
Chỗ nhánh rẽ đó trước có ngôi miếu gọi là miếu Hạ Thành thờ một vị nữ thần tục cũng gọi là cô Bơ miếu Hạ Thành (miếu chân thành Hà Nội hay miếu sông Hà Thành, ý nói đoạn nối sông Tô Lịch sang Hồ Tây). Gốc là một ngôi miếu cổ có từ thời xa xưa tục truyền là thờ vị nữ tướng thời Hai Bà Trưng được dân dựng miếu dưới chân thành).
“Đinh Lê truyền đến Lý Trần
Bao cơn binh cách bao lần xông pha
Kinh kì nổi tiếng nhân hoa
Anh linh hiển thánh cô bơ Hạ Thành
Vốn người vào bậc nữ xinh
Dẹp quân giặc giữ liều mình sông Tô”
Sau này Pháp phá thành và lấp sông Tô Lịch, miếu cũng bị phá theo . Trước đây các cụ đồng là người Hà Nội vẫn hầu cô Bơ Hà Thành hay Hạ Thành cũng vậy.
Đến thời có vài vị Me tây (đặc biệt là cô Ba Tý và cô Tư Hồng ra đồng và giầu có lại hay hầu cô Bơ Hà Thành mà khi hầu cô thì lại hay cầm sắc (túi tây đi phát tiền). Mấy vị này cũng lắm tiền nên sau đó cánh phụ nữ An Nam có dính đến người Pháp hay lấy người Pháp (Me Tây) học theo hầu Cô Bơ Hà Thành cũng hay cầm sắc đi phát tiền).
Còn các cụ đồng Việt mà không lấy Tây ghét lắm. Nhân khi thành và sông Tô Lịch bị lấp điện cũng bị pháp phá để xây khu phố Phan đình Phùng như bây giờ, các cụ đồng người Việt không dính dáng đến Tây đều nói Cô Bơ về với Mẫu bên Hồ Tây ở Tứ Liên và Phủ Tây Hồ nên gọi là Cô Bơ Tây Hồ (cô là thần của đoạn sông nối với Hồ Tây). Khi hầu cô vẫn chèo thuyền và cầm lẵng hoa chứ không cầm túi sắc như me Tây.
“Cô cho lắm lộc nhiều tài
Tai qua nạn khỏi an khang thọ trường
Đầm sen Bát Cổ sớm chiều
Ngọc Sơn Bà Triệu lại vào Đông Thương
Tây Hồ bái yết mẫu vương
Nghi Tàm trúc bạch lại sang Ngọc Hà”
Nhân đây để tránh hiểu lầm về từ (me Tây) và để thông tỏ cái xuất thân và hoàn cảnh sao phải làm me Tây của cô Ba Tý và cô Tư Hồng tôi cũng kể một chút: Đạo nào cũng bao dung, Phật hay Thánh thì cũng không chê phật tử hay còn chiên con nhang mình xuất thân không được tốt. Tuy rằng mang tiếng là me tây nhưng hai cô tôi nghĩ nhiều người không bằng đâu.
Tôi kể sơ một chút:
Cô Ba Tý khi nhỏ bố là thầy đề ở Ninh Giang sai đi mua dầu, nửa đường đánh vỡ chai dầu sợ tội chạy chốn vì còn nhỏ không biết đường về đi lạc mới được vợ chồng công sứ Hưng Yên J .Simoney mang về nuôi. Năm 1905 vợ công sứ bị dịch hạch chết, tay công sứ đó mới hấp diêm con nuôi. Lúc này cô 17 tuổi đã bị cha nuôi hãm hiếp, nửa đêm cô lấy chỗ tiền tiết kiệm của mình từ khi làm con nuôi cho vợ chồng công sứ khoảng 1.000 đồng chạy xuống tầu thủy lên Hà Nội và ở tại khách sạn Kim Kê. Sau đó do biết tiếng Pháp lại ở khách sạn Kim Kê quen với nhiều Tây rồi đồng ý lấy quan ba của pháp là Bounet. Chưa kịp cưới thì tay quan 3 bị nghĩa quân Đề Thám giết. Sau đó cô lại đồng ý lấy quan tư pháp là lastellel. Tay này đưa hết tài sản cho cô nhưng chưa kịp cưới thì cũng chết vì dịch tả trên lạng thương. Sau đó cô lấy Jean Broussais là chủ mỏ vàng suối rít Hoà Bình, lúc này cô chuyển nghề chuyên chạy mánh và giấy tờ giữa chính quyền Pháp và người An Nam. Trong thân phận là phụ nữ suốt ngày giao du với Tây để làm ăn, chồng lại đi suốt nên cô Ba cũng cặp kè nhiều Tây rồi cũng bỏ chồng và từ đó sống một mình.
Về một người đàn bà có số phận éo le mà gây dựng được cơ đồ phải nói là kinh khủng. Đặc biệt cô là con đồng nhà Thánh có xây điện thờ Thánh ở phố Hàng Bạc. Cô còn mua nhiều bảo vật cổ vật hiếm có để trưng bầy. Đặc biệt nhiều món cô mua của sỹ quan Pháp lấy trong cuộc chiến 1900 tại cố cung nhà Thanh thời Pháp thuộc. Nhiều viện bảo tàng Châu Âu sang hỏi mua cô không bán. Cô là người giữ được nhiều đồ cổ quý giá nhất Việt Nam. Trong thời kỳ tiếp quản, đồ vật của cô nhà nước cho vào viện bảo tàng hết.
Cô Ba Tý tuy là con đồng nhưng bị giới đồng bóng thời đó rất ghét và gọi là con me Tây phá đạo Thánh vì hai tội:
1- Hầu các quan hay các hoàng luôn gọi mấy tay tây trắng quan chức người Pháp lên xập công đồng và bắt quỳ xuống làm ngựa để cưỡi.
2 - Hầu cô Bơ Hà Thành không chèo thuyền cầm lẵng hoa mà cầm sắc như mấy mợ nhà giàu kiểu tiểu thư đi chợ phát tiền. Cái kiểu hầu này sau một loạt những người me Tây hay dính đến Tây là học theo.
Một cô nữa cũng xuất thân khổ cực và oan trái lại vất vả hơn cô Ba tý, cũng là đầu trò kiểu hầu cầm túi sắc đi chợ này là Cô Tư Hồng.
Cô bị bố mẹ bỏ lại cửa đền từ khi mới đẻ. Bà mẹ nuôi đói khổ nhặt ở cửa đền nên cho rằng cô là con nhà thần thánh ban cho. Cuộc sống đói khổ khó khăn từ nhỏ đến khi được lấy chồng là người Tầu tên là Hồng. Sau đó chồng bỏ về Trung Quốc bỏ cô lại không nơi nương tựa.,....Rồi vận may đến cô lấy được quan tư Pháp nên gọi là Tư Hồng. Cô làm kinh tế tốt, thầu vật liệu xây dựng thầu cơm của các trại lính trại giam..., thầu xây dựng nhà cửa đình thự ... Và đặc biệt là chạy án (đút lót xin giảm và xoá án có vụ cô chạy án kể cả bị xử 15 năm cũng xin tha bổng). Sau cô dính vào nhiều vụ chạy án chính trị và Pháp cho là cô nguy hiểm khi tiếp tay cho tù chính trị nên bị Pháp họ phong toả việc làm ăn của cô.
Cô Tư Hồng cũng gọi là me Tây nhưng lại sống đúng bản chất cô đồng. Cô bỏ rất nhiều tiền, chưa có cuộc lũ lụt hạn hán nào không có mặt cô đi phát chuẩn cho nạn dân. Cô phát cả thịt chứ không phải chỉ có gạo không..., thương người thương dân đúng như câu hát văn rằng:
“Thương người dạ thảo lòng ngay
Tài ba lỗi lạc sớm cày chiều thơ
Thương người rắc đậu trồng ngô
Xót người cùng khổ bốn mùa ăn đong
Giận ai bạc chảy tiền ròng
Công lao một chút, chỉ hòng tạc bia…”
Cô cũng bị những người đồng bóng chính phái ghét vì cùng cô Ba Tý là đầu trò hầu cô Bơ Hà Thành theo lối mợ, lối kiểu cầm sắc tung tẩy như tiểu thư đi chợ.
Nói dông dài vậy để mọi người hiểu về kiểu hầu này và cũng thông cảm cho hoàn cảnh éo le của những người phụ nữ xuất thân không được như mọi người, lại trong thời bị đô hộ và cũng biết về xuất xứ của kiểu hầu này.
CÔ BƠ TAM KỲ: Tích về cô Bơ Tam Kỳ hiện nay không còn thấy lưu truyền rộng rãi, chỉ biết rằng xuất phát từ những người miền Bắc di cư vào Miền Nam và hầu Cô gọi là Cô Bơ Tam Kỳ. Khi ngự đồng cô mặc áo trắng, đầu đội nón kinh giống như mão của Phật bà quan âm.
Cô Bơ bản cảnh/ Vùng miền: Thường thấy ở Huế và miền Trung. Ngoài hầu Cô Bơ thoải phủ còn hầu Cô ba/ Thiên Thần/cô bơ ngoại cảnh, cô Ba xứ Huế, …(Quan niệm nơi đây có Thượng Thiên, Thượng Ngàn, Trung Thiên và Thuỷ Phủ. Tức Trung Thiên Ngoại Cảnh, cảnh con người đang sinh sống, tầng trời ở giữa.)
Hay một biến thể của cô bơ thượng là cô Bơ chín suối....
Hầu Cơ Bơ Thoải ở Miền Trung cũng tương tự như miền Bắc, cô ngự đồng áo trắng, chèo thuyền…
“Kim chi ngọc diệp đành rành
Bóng cô ba thoải anh linh thay là
Vốn dòng con đức vua cha
Giáng sanh giờ ngọ vốn giòng thần tiên
…Hoa đào đợi gió mùa đông
Đợi người quân tử, tơ hồng cô trao
Có khi cô bắt võng đào
Cô lên thiên thượng lúc vào chầu tiên…”
Hầu cô bơ Ngoại cảnh cô tấu hương khai quang, múa mồi…ban tài ban lộc, cứu chữa bệnh, ban nhân duyên và cả soi xét gia sự…
“Song đăng cô lại múa chơi
Múa rồi khi ấy cô ngồi bói khoa
Mách cho việc cửa việc nhà
Người đi ngàn dặm đường xa chưa về
Cứu người trót lỡ lời thề
Sanh ra đau ốm mỏi mê trong mình
Cứu người mắt bệnh tà tinh
Đêm nằm mộng khiến thấy mình như không
Giúp người nên vợ nên chồng
Giúp người thơ ấu thoát vòng gian nan
Giúp người chức trọng quyền sang
Giúp người phú quý thọ sang muôn đời”
Một số nhà có Bà cô tổ chết đuối nước cũng hay gọi là Cô Tổ Bơ nên có thể gọi là Cô Bơ tổ của dòng họ.
Cô tổ Bơ Thân tộc....
Đặc biệt: Đôi khi người ta được nghe đến Cô Bơ Thượng Ngàn. Thực ra đây là cách đọc chếch đi. Bản chất là Cô Ba thượng ngàn mới đúng bởi cô là một trong mười hai vị Thánh Cô trên Sơn Trang theo hầu Mẫu Thượng Ngàn - không thuộc hàng Tứ Phủ Thánh Cô.
Cô Bơ Thượng Ngàn được thờ phụng một số ngôi đền cổ và cung thờ tại nhiều vùng như đền Mẫu Lộc Bình (thị trấn Lộc Bình, Lạng Sơn). Ngoài ra, tại một số vùng như đền Thượng (Vụ Bản, Hòa Bình) hay ở Tam Kỳ (Quảng Nam) cũng có đền thờ cô. Tại mỗi nơi, nhân dân lại xưng danh cô theo tên của ngôi đền đó như cô Ba Vụ Bản, cô Ba Tam Kỳ (khác với cô Bơ tam kỳ)…
Ngoài ra cô Bơ thượng còn được thờ vọng tại thể di tích Phong Mục – Thanh Hóa. Cung thờ vọng cô cạnh lầu Cô Bơ Thoải bên kia sông, gần đền ông Hoàng Bơ.
Nói chung cô Bơ thì nhiều tích
Nhưng đa Phần trong Tâm thức người đồng nhân từ xưa đều hầu cô với hai vị
Cô Bơ Thủy Thần và Cô Bơ Nhân Thần còn đâu theo vùng miền mà bắc ghế ker ra có nhièu Cô Bơ
Nguồn: Thầy Trần